MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn

Gửi đến thầy cô tài liệu Quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên mônXây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn bao gồm xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục được phân công.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn gắn liền với nhiều nhiệm vụ, liên quan đến cả kế hoạch chung của nhà trường, các tổ chuyên môn khác và tất cả các GV bộ môn nên đòi hỏi quá trình xây dựng phải xem xét cân nhắc nhiều yếu tố, có sự liên hệ ngược, bàn luận xen kẽ chứ không thể theo một quy trình tuyến tính. Chính vì thế, các bước dưới đây được cung cấp như một hướng dẫn để tổ trưởng chuyên môn và GV tổ chuyên môn tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch của tổ.


Quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn

a. Bước 1) Phân tích đặc điểm tình hình

Để xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn Ngữ văn (theo cấu trúc hướng dẫn tại các phụ lục 1 và phụ lục 2 của công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH), cần phải đánh giá đầy đủ:

- Tình hình HS: Tổ chuyên môn cần thống kê số lớp học, tổng số HS của mỗi khối lớp.

- Tình hình GV: Số GV, trình độ đào tạo của các GV trong tổ theo các cấp từ cao đẳng, đại học, trên đại học và mức đạt chuẩn nghề nghiệp GV theo các mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở giáo dục phổ thông).

- Tình hình thiết bị dạy học của môn học do tổ chuyên môn phụ trách (cụ thể theo phụ lục 1 của công văn 5512), trong đó đánh giá cụ thể thiết bị dạy học nào còn sử dụng được; sử dụng được để dạy học các bài, chủ đề nào trong chương trình môn học. Cần lưu ý phương tiện, trang thiết bị dạy học của bài học nhằm đảm bảo YCCĐ. Cùng với việc so sánh đối chiếu với kết quả phân tích tình hình, đối chiếu với Thông tư của Bộ GD&ĐT về “Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu” để xem xét các thiết bị hiện có có đảm bảo yêu cầu sử dụng, đầy đủ hay chưa để đề xuất sửa chữa, sắm mới, thiết kế thêm).

- Phòng học bộ môn/phòng thí nghiệm/phòng đa năng/sân chơi, bãi tập. Đối với các phòng hoặc địa điểm có thể sử dụng để tổ chức dạy học, tổ chuyên môn có thể lập danh sách dưới dạng bảng theo tên phòng, số lượng, phạm vi và nội dung sử dụng và những ghi chú về đặc điểm, tình trạng để có định hướng sử dụng phù hợp.

b. Bước 2) Xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn

Trên cơ sở tình hình năm học đã phân tích, tổ chuyên môn tiến hành xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục cho các khối lớp. Các nhiệm vụ chính trong xây dựng các loại kế hoạch này bao gồm: (1) Phân phối chương trình, (2) Kế hoạch các bài kiểm tra, đánh giá định kì; (3) Kế hoạch các nội dung khác (nếu có) và (4) Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục. Phần dưới đây hướng dẫn tổ chuyên môn cách thực hiện các nhiệm vụ này:

(1) Xây dựng phân phối chương trình các khối lớp

CTGDPT tổng thể quy định thời lượng thực học trong một năm học, số buổi học, số tiết học tối đa trong một buổi, thời gian mỗi tiết học. Dựa trên cơ sở đó, CTGDPT môn Ngữ văn quy định những nội dung và YCCĐ phải thực hiện, xác định tỉ lệ thời lượng các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Chính vì vậy, việc dạy học đảm bảo các yêu cầu cần đạt trong bối cảnh thời gian nhất định (có hạn) đòi hỏi phải có sự cân đối, sắp xếp thời lượng cho các nội dung một cách phù hợp để sử dụng hiệu quả thời gian cho phép. Đây chính là nhiệm vụ của xây dựng phân phối chương trình. Tổ chuyên môn có thể thực hiện theo cách thức gợi ý sau:

* Xác đỉnh mạch nôi dung: căn cứ vào phần nội dung khái quát và nội dung cụ thể cho từng khối lớp (thể hiện qua các YCCĐ về các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; kiến thức tiếng Việt và kiến thức văn học; văn bản, ngữ liệu) trong bản chương trình môn Ngữ văn 2018 để xác định các mạch nội dung dạy học. Khi xác định được mạch nội dung môn Ngữ văn, GV có thể xác định được các chủ đề cho một khối lớp trong một năm học và thời lượng tổ chức hoạt động dạy học của các chủ đề đó, làm cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo.

Chẳng hạn với việc dạy đọc ở lớp 6 thì trước hết GV phải căn cứ vào YCCĐ về việc dạy đọc văn bản văn học được nêu ở cấp này (tr.40-44 của chương trình môn Ngữ văn) để xác định thể loại sẽ dạy. Cụ thể các văn bản văn học lớp 6 gồm có các thể loại truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, truyện ngắn, thơ và thơ lục bát, hồi kí hoặc du kí. Hay đối với DH văn bản thông tin ở lớp 6, dựa vào YCCĐ, GV có thể xác định được kiểu dạng văn bản thông tin sẽ dạy đó là văn bản thuật lại một sự kiện, biên bản ghi chép, sơ đồ tóm tắt nội dung.

* Xác đinh thời lương, day học: Dựa vào phần Thời lượng thực thiện chương trình trong bản chương trình Ngữ văn 2018 (tr.89), dựa vào số lượng YCCĐ cho mỗi kiểu văn bản/ thể loại, dựa vào thời lượng chương trình dành cho các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; GV tính được tổng số tiết dành cho mỗi nội dung DH. Chẳng hạn, đối với cấp THCS, thời lượng được quy định như sau: đọc (khoảng 63%), viết (22%), nói và nghe (10%), đánh giá định kì (5%). Với thời lượng 140 tiết dành cho mỗi lớp, GV có thể tính được số tiết dự kiến dành cho mỗi kĩ năng đọc, viết, nói và nghe và đánh giá định kì.

- Xác định, liệt kê các bài học và YCCĐ tương ứng theo trình tự thời gian thực hiện: Các bài học có thể được xác định bằng nhiều cách khác nhau, có thể lấy nguyên hoặc thiết kế lại phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường trên cơ sở tham khảo chương trình, SGK mà địa phương lựa chọn. Trong trường hợp thiết kế lại các bài học, cần căn cứ vào tính logic, đặc điểm của kiến thức, tính trọn vẹn của vấn đề để xây dựng thành các bài học hoặc chủ đề phù hợp với điều kiện thực tiễn dạy học nhà trường. Sau đó, đối với mỗi bài học, tổ chuyên môn cần xác định các YCCĐ tương ứng. Cần lưu ý, tổ chuyên môn có thể phát triển và ghi thêm các YCCĐ khác theo hướng nâng cao đối với bài học đã xác định dựa trên phân tích đặc điểm HS và các điều kiện tổ chức dạy học nhưng phải đảm bảo việc thực hiện các YCCĐ được quy định trong chương trình.

Căn cứ vào phần YCCĐ của các cấp lớp trong CTGDPT môn Ngữ văn, GV sẽ xác định các YCCĐ tương ứng với bài học sẽ dạy. Chẳng hạn, khi xác định được kiểu dạng văn bản văn học sẽ dạy đó là thơ lục bát, GV căn cứ vào phần YCCĐ về văn bản văn học trong chương trình Ngữ văn 2018 (tr.40-44) để xác định các YCCĐ tương ứng với bài học như sau:

+ YCCĐ về kĩ năng đọc:

Nhận biết được số tiếng, số dòng, vần, nhịp của thơ lục bát;

Nhận biết được chủ đề của văn bản;

Nhận biết được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản;

Nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ;

Nêu được bài học về cách nghĩ và cách ứng xử của cá nhân do văn bản gợi ra.

+ YCCĐ về kĩ năng viết: Làm được thơ lục bát;

+ YCCĐ về kĩ năng nói và nghe:

Thảo luận nhóm, nhận xét về hình thức và nội dung của bài thơ lục bát của bạn trong nhóm.

Trình bày cảm xúc cá nhân khi nghe bài thơ lục bát.

- Xác định ngữ liệu giảng dạy: Căn cứ vào những kiểu văn bản/ thể loại đã xác định, GV lựa chọn ngữ liệu phù hợp, đáp ứng được YCCĐ về các kiểu văn bản/ thể loại mà chương trình đã nêu. Lưu ý: các nội dung DH cần khai thác đối với ngữ liệu cần căn cứ trên YCCĐ chứ không phải căn cứ hoàn toàn vào ngữ liệu. GV có thể lựa chọn các văn bản có sẵn trong SGK, GV cũng có thể lựa chọn văn bản khác phù hợp miễn sao các năng lực được phát triển cho HS đều căn cứ vào các YCCĐ. Chẳng hạn với YCCĐ đã xác định được ở trên, GV có thể lựa chọn các ngữ liệu phù hợp như: những bài ca dao như “Công cha như núi ngất trời”, “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên), “Hành trình của bầy ong” (Nguyễn Đức Mậu), “Về thăm mẹ” (Đinh Nam Khương)...

- Xác định nội dung chính của chủ đề: Phần “Nội dung” trong chương trình GDPT môn Ngữ văn chỉ trình bày những nội dung dạy học liên quan đến kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn học và ngữ liệu chứ không trình bày thành các nội dung dạy học cụ thể. Dựa vào các YCCĐ được quy định trong chương trình môn Ngữ văn 2018, căn cứ vào kiểu văn bản/ thể loại và ngữ liệu đã xác định, GV có thể xác định nội dung chính của chủ đề DH.

* Xác định thời lương (số tiết) sử dung để giảng dạy các bài hoc cụ thể: Trên cơ sở số tiết dành cho các mạch nội dung chính đã xác định, tổ chuyên môn nghiên cứu các YCCĐ của từng bài học, tham khảo SGK mà địa phương lựa chọn để xác định và phân bổ số tiết phù hợp cho các bài học cụ thể. Số tiết của mỗi bài học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là số lượng YCCĐ và mức độ cần đạt trong mỗi yêu cầu (thể hiện qua động từ diễn đạt mức độ nhận thức). Những YCCĐ được mô tả ở mức độ nhận thức cao, phức hợp thường phải dự kiến dành nhiều thời gian hơn các yêu cầu cần đạt ở mức độ thấp. Bên cạnh đó, đặc điểm của loại kiến thức (kiến thức lí thuyết, kiến thức thực tiễn) hoặc tính chất bài học (lí thuyết, thực hành) cũng là những yếu tố cần lưu ý. Ngoài ra, do chương trình được xây dựng có tính kế thừa nên việc xác định thời lượng các bài học có thể căn cứ thêm vào kinh nghiệm thực tiễn dạy học của GV trong chương trình 2006. Sau đó, tiến hành cân đối lại số tiết các bài để đảm bảo số tiết phù hợp và ghi vào cột số tiết trong cấu trúc phân phối chương trình theo gợi ý.

(2) Xây dựng kế hoạch các bài kiểm tra, đánh giá định kì

Tổ chuyên môn căn cứ trên cơ sở số tiết dành cho đánh giá định kì được quy định trong CTGDPT môn Ngữ văn và nghiên cứu các quy định về kiểm tra, đánh giá hiện hành để xác định các bài kiểm tra, đánh giá với các nội dung cụ thể bao gồm:

- Thời gian làm bài cụ thể cho từng bài (số phút), thời điểm (tuần thứ, tháng, năm thực hiện bài kiểm tra, đánh giá). Thời điểm đánh giá cần dựa trên kế hoạch chung của nhà trường để có sự thống nhất và phù hợp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.

- YCCĐ (mức độ cần đạt đến thời điểm kiểm tra, đánh giá theo phân phối chương trình) và hình thức bài kiểm tra, đánh giá.

(3) Xây dựng kế hoạch cho các nội dung khác (nếu có)

Nếu có các nhiệm vụ dạy học khác được tiến hành trong năm học, chẳng hạn như kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, kế hoạch sinh hoạt chuyên môn... tổ chuyên môn cũng cần xây dựng kế hoạch cho các nội dung này. Không có khuôn mẫu cho việc trình bày các loại kế hoạch này, tuy nhiên kế hoạch nên thể hiện được nội dung, số tiết, YCCĐ, thiết bị hỗ trợ và địa điểm để tổ chức cụ thể.

(4) Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục

Trước khi bắt đầu năm học, tổ chuyên môn tiến hành sinh hoạt chuyên môn để xác định một số hoạt động giáo dục liên quan đến môn học có thể tổ chức cho HS các khối lớp trong năm học đó. Chẳng hạn như các hoạt động tham quan, cắm trại, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ hoặc các hoạt động phục vụ cộng đồng. Nếu có sự đồng ý và phân công của Hiệu trưởng trong cuộc họp với các bên liên quan tổ chức vào đầu năm học thì tổ chuyên môn sau đó sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các hoạt động này.

Đối với mỗi hoạt động giáo dục sẽ tổ chức, tổ chuyên môn cần xác định YCCĐ của các chủ đề, tức là mức độ cần đạt của hoạt động giáo dục đối với HS tham gia và số tiết tương ứng. Đối với hoạt động giáo dục, các mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất luôn được nhấn mạnh bên cạnh mục tiêu về năng lực.

Tổ chuyên môn cũng cần xác định hoạt động đó sẽ được tổ chức vào thời điểm nào và ở đâu? Việc xác định thời điểm có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì liên quan đến các hoạt động khác của nhà trường và tổ chuyên môn, tuy nhiên cần lưu ý sự liên quan của các hoạt động này với các nội dung dạy học để chọn thời điểm tổ chức phù hợp, logic theo hướng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học. Địa điểm để tổ chức hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn có thể ở trong hoặc ngoài khuôn viên nhà trường như phòng đa năng, sân chơi, bãi tập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản, tại thực địa...

Ngoài ra, tổ chuyên môn cũng cần xác định đơn vị, cá nhân nào sẽ chủ trì và phối hợp để tổ chức hoạt động, các yêu cầu về điều kiện thực hiện (cơ sở vật chất, thiết bị học liệu... để đảm bảo hoạt động đươc thực hiện hiệu quả.

c. Bước 3) Rà soát hoàn thiện dự thảo và thông qua tổ chuyên môn

Sau khi xây dựng xong các kế hoạch, tổ chuyên môn cần tiến hành rà soát lại các nhiệm vụ để có bản dự thảo hoàn thiện. Cần chú trọng đến sự phù hợp của phân phối chương trình, các bài kiểm tra, đánh giá định kì cũng như tính khả thi của các hoạt động đề xuất. Các kế hoạch này sau đó cần được hoàn thiện theo cấu trúc hướng dẫn ở phụ lục 1 và phụ lục 2 của công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Sau đó, cần tiến hành lấy ý kiến và thông qua tổ chuyên môn để đạt được sự thống nhất.

d. Bước 4) Phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn

Bản dự thảo hoàn thiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn sau khi thông qua tổ chuyên môn được trình Hiệu trưởng nhà trường xem xét phê duyệt và công bố như một phần của kế hoạch giáo dục của nhà trường trong năm học. Đây là căn cứ để tổ chuyên môn triển khai thực hiện kế hoạch này trong năm học. Nhiệm vụ quan trọng sau khi kế hoạch của tổ được phê duyệt là tổ trưởng chuyên môn tiến hành phân công nhiệm vụ cho các GV của tổ chuyên môn. Việc phân công GV cần căn cứ vào tổng thời lượng (số tiết) dạy học môn học của các khối lớp và các nhiệm vụ khác được phân công như dạy học các chủ đề nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Trên cơ sở đó, dựa trên số lượng GV của tổ chuyên môn và cân nhắc đến các yếu tố liên quan của mỗi cá nhân GV trong tổ (ví dụ chủ nhiệm hay không chủ nhiệm) để phân công các nhiệm vụ cho mỗi GV, bảo đảm số tiết/tuần của tất cả GV phù hợp định mức giờ dạy theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở nhiệm vụ được tổ trưởng phân công, mỗi GV bộ môn sau đó sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục của cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ đó trong năm học. Ý nghĩa, cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục của cá nhân được đề cập và hướng dẫn trong phần tiếp theo của tài liệu này.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo